Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue. Một số triệu chứng sốt xuất huyết có thể nhận biết sớm như: sốt cao 40,5 độ, nhức đầu, ói mửa, phát ban. Trước đây, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em; nhưng hiện tại, rất nhiều người lớn cũng mắc bệnh và tỷ lệ tử vong khá cao. Bệnh hiện nay chưa có thuốc đặc trị, những trường hợp nặng điều trị hầu như chỉ hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần.
Triệu chứng của bệnh
Có ba loại bệnh: sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ), sốt xuất huyết chảy máu và sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue).
Triệu chứng sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ)
Những người lần đầu tiên mắc bệnh bị loại này vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Đây là dạng có biểu hiện các triệu chứng điển hình và không có biến chứng. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:
Sốt cao, lên đến 40,5oC;
Nhức đầu nghiêm trọng;
Đau phía sau mắt;
Đau khớp và cơ;
Buồn nôn và ói mửa;
Phát ban.
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Bạn có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.
Triệu chứng sốt xuất huyết có chảy máu
Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue)
Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).
Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bạn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi ở người lớn). Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Trẻ em khi mắc bệnh sốt xuất huyết từ 3 ngày sẽ có những dấu hiệu sốt cao, khiến bố mẹ thường nhầm là cảm cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Cách điều trị hiệu quả
Việc đoán bệnh sốt xuất huyết có thể khá khó khăn, bởi vì các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể dễ dàng gây nhầm lẫn với những bệnh khác – chẳng hạn như bệnh sốt rét, bệnh do leptospira và sốt thương hàn.
Nếu gần đây bạn có đi du lịch, bạn nên mô tả chi tiết cho bác sĩ biết bạn đã đi đến đâu, ở đó vào ngày nào và trong quá trình ở đó có bị muỗi cắn hay không.
Một số xét nghiệm có thể giúp phát hiện mức độ của bệnh sốt xuất huyết gồm:
Điện giải đồ
Khí máu
Chức năng đông máu
Men gan
X-quang phổi nhằm phát hiện biến chứng tràn dịch phổi.
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết, hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Điều quan trọng là bác sĩ sẽ điều trị để tránh những biến chứng nặng xảy ra cho bạn. Hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước. Bác sĩ có thể kê một số thuốc để giảm sốt cho bạn như paracetamol (Tylenol®, Panadol®) đồng thời thuốc này có thể giảm đau cơ khớp, nên tránh các thuốc giảm đau có khả năng làm tăng biến chứng chảy máu chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium.